Sự hình thành Niệp_quân

Niệp hay Niệm là phương ngữ Hoài Bắc, được hiểu là "một bọn" hay "một nhóm".[8] Niệp đảng được thành lập vào cuối những năm 1840 bởi Trương Nhạc Hành và đến năm 1851 số lượng người gia nhập đã lên đến 400 ngàn người. Không giống như Cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc, Niệp đảng ban đầu không có mục tiêu và định hướng hoạt động rõ ràng, ngoại trừ đem đến những lời chỉ trích cho triều đình nhà Thanh. Khẩu hiệu của họ là "cướp của người giàu chia cho người nghèo"[9]. Tuy nhiên, sau một loạt thảm họa môi trường và những năm mất mùa liên tiếp, những người trong Niệp đảng bắt đầu bị kích động chống lại chế độ, nên quan lại nhà Thanh mới gọi là giặc Niệp (捻匪, Niệp phỉ).

Lũ sông Hoàng Hà năm 1851 đã gây ngập lụt hàng ngàn dặm vuông, gây thiệt hại to lớn cho cuộc sống của người dân. Chính quyền nhà Thanh bắt tay vào xử lý hậu quả sau thiên tai nhưng sự cứu trợ người dân lại không đạt hiệu quả bởi sự cạn kiệt tài chính sau Cuộc chiến tranh nha phiến với Đế quốc Anh xảy cách đó không lâu và đợt tàn sát đang diễn ra của Cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc. Thiệt hại từ đợt lũ lụt này chưa kịp khắc phục xong thì đập sông Hoàng Hà tiếp tục bị vỡ vào năm 1855, nhấn chìm hàng ngàn người và tàn phá tỉnh Giang Tô màu mỡ. Cùng với sự tàn phá do lũ lụt gây ra chính là nạn đói ngày một lan rộng.[6] Thời điểm đó, triều đình nhà Thanh đang phải dốc toàn lực đàm phán với các cường quốc châu Âu, tài chính lại cạn kiệt nghiêm trọng, tiếp tục không thể cứu trợ thiên tai hiệu quả. Điều này khiến cho Niệp quân tức giận, họ đổ lỗi cho người châu Âu đã góp phần vào những rắc rối của quốc gia, và ngày càng coi chính quyền nhà Thanh là bất tài.

Những người nổi dậy trong Niệp quân dường như bị ảnh hưởng bởi Khởi nghĩa Bạch Liên giáo trước đó, họ tuyển mộ người từ các hội và giáo phái bí mật như Bạch Liên giáo, lại tích cực sử dụng những biểu tượng, biểu ngữ của Bạch Liên giáo như Anh em kết nghĩa, Cờ ngũ hành, cờ bát quái và sử dụng rộng rãi các tổ chức nữ chiến binh. Trương Nhạc Hành đã tự xưng là "Đại Hán Vĩnh vương" hay "Đại Hán Minh Mệnh vương", gợi nhớ đến vị trí lãnh đạo của Bạch Liên giáo.[10]

Một số nhà nghiên cứu như Valerie Hudson và Andrea den Boer cho rằng, sự khốn khó về kinh tế liên quan đến lũ lụt hàng thập kỷ đã khiến cho số phụ nữ giảm sút mạnh, dẫn đến số lượng lớn thanh niên không thể cưới vợ, chính là một trong những nguyên nhân thúc đẩy cuộc nổi loạn này.[11][12]